Quy định chế độ làm việc của phòng Đào tạo Sau đại học


30/10/2019 07:48  359

- Căn cứ Quyết định số 72/2009/QĐ- UBND ngày 23-10-2009 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành Quy chế hoạt động của Trường Đại học Thủ Dầu Một;

- Căn cứ Quyết định số 49/QĐ- ĐHTDM ngày 18-01-2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng Đào tạo sau đại học;

Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học Quy định chế độ làm việc như sau:

1. Thời gian, chế độ, tinh thần và quy tắc ứng xử văn hóa khi làm việc

- Cán bộ, viên chức trong phòng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc thời gian làm việc theo Luật Lao động và giờ hành chính do Nhà trường quy định; giữ gìn vệ sinh nơi làm việc; bảo quản tài sản chung của Phòng và tài sản được giao sử dụng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Thời gian làm việc

+ Sáng: từ 07h30 đến 11h30.

+ Chiều: Từ 13h00 đến 17h00.

- Chế độ làm việc

+ Theo chế độ chung của Nhà trường.

+ Làm việc vào thứ bảy và chủ nhật được chi trả theo chế độ làm thêm giờ.

- Thực hiện tinh thần, Đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong Nhà trường theo Quyết định số 05/QĐ-HĐTr ngày 22/01/2019.

2. Quy định trách nhiệm giải quyết công việc của cán bộ, viên chức

2.1. Quy định trách nhiệm

- Phòng Đào tạo Sau đại học làm việc theo chế độ báo cáo Thủ trưởng (chuyên viên tham mưu các nội dung công việc được phân công và báo cáo Trưởng phòng biết để chỉ đạo, đảm bảo tham gia ý kiến xử lý khi cần thiết và chịu trách nhiệm về tham mưu, đề xuất trước Trưởng phòng); phát huy tinh thần dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

- Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được quy định.

- Phó trưởng phòng được Trưởng phòng phân công theo dõi từng khối công việc; chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về các lĩnh vực công việc được phân công.

2.2. Nguyên tắc giải quyết công việc

- Giải quyết công việc đúng thẩm quyền và phạm vi trách nhiệm, cấp trên không làm thay công việc của cấp dưới. Cán bộ, viên chức phụ trách, xử lý công việc đúng lĩnh vực (trừ khi có sự phân công đột xuất) và trực tiếp chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về công việc được được phân công.

- Tuân thủ trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết công việc theo đúng quy định, quy trình, kế hoạch công tác đã đề ra; không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ.

- Đảm bảo sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong hoạt động xây dựng cơ quan theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được gia0.

2.3. Trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng Phòng

- Trưởng phòng chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động của đơn vị theo bản phân công công việc và các quy chế, quy định của Nhà trường; đôn đốc, kiểm tra cán bộ, viên chức của đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo sự phân công và thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của Nhà trường; chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hiệu trưởng trong việc theo dõi toàn diện các hoạt động của cán bộ viên chức trong Phòng.

- Trưởng phòng có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác của Phòng; đôn đốc, theo dõi cán bộ, viên chức trong Phòng thực hiện chương trình công tác; tổng hợp báo cáo việc thực hiện chương trình công tác của đơn vị mình theo quy định.

- Trưởng phòng chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị các nội dung và chủ trì sinh hoạt giao ban của Phòng định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất để đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình công tác, việc thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, đôn đốc giải quyết công việc thuộc phạm vi Phòng phụ trách, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; chủ trì đánh giá xếp loại thi đua hàng tháng/năm đối với cán bộ viên chức của Phòng.

- Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Quy chế hoạt động của Phòng và các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.

- Giúp việc Trưởng phòng có Phó Trưởng phòng do Hiệu trưởng bổ nhiệm. Nhiệm vụ cụ thể của Phó Trưởng phòng do Trưởng phòng phân công.

2.4. Trách nhiệm và quyền hạn của Phó Trưởng Phòng

- Phó Trưởng phòng là người trực tiếp giúp Trưởng phòng chỉ đạo, thực hiện một số công việc của Phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được phân công.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Trưởng phòng; tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác của Phòng; điều hành và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực công tác được phân công; báo cáo kết quả công tác với Trưởng phòng.

- Phó phòng được Trưởng phòng uỷ quyền giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng phòng khi Trưởng phòng đi vắng và báo cáo lại các công việc đã giải quyết khi Trưởng phòng trở lại làm việc tại đơn vị.

- Trưởng phòng phải chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của cấp Phó khi ủy quyền (trừ những trường hợp được Lãnh đạo trường trực tiếp phân công cho Phó Trưởng phòng).

2.5. Các cán bộ, viên chức của Phòng

- Chuyên viên chịu sự điều hành và kiểm tra của Trưởng phòng thông qua Phó Trưởng phòng.

- Thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách chung của Đảng và Nhà nước. Chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Viên chức; Luật giáo dục; Luật giáo dục đại học, các quy định khác của pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của Trường Đại học Thủ Dầu Một, quy tắc ứng xử văn hóa nơi công sở với giảng viên, với học viên sau đại học và các đơn vị khác trong Nhà trường.

- Học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức tác phong, văn hoá công sở, chuyên môn nghiệp vụ.

- Đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo phòng xử lý các văn bản, hồ sơ công việc theo lĩnh vực, chuyên môn được phân công theo dõi đúng pháp luật, đúng hạn định, đúng quy trình và được bảo lưu ý kiến của mình trên phiếu trình.

- Chủ động cập nhật thông tin, các văn bản chỉ đạo của cấp trên; theo dõi thống kê các số liệu, lưu trữ các tài liệu có liên quan đến công việc đang phụ trách nhằm đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, chính xác để tham mưu, đề xuất, giải quyết công việc có cơ sở khoa học; thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định.

- Giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, thống nhất và phối hợp nhau trong công tác. Chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công, quản lý, điều hành của lãnh đạo; tuyệt đối giữ bí mật theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật trong cơ quan.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vấn đề tham mưu, đề xuất theo lĩnh vực được phân công.

- Thực hiện việc bảo quản các trang thiết bị, tài sản khác được giao sử dụng làm việc, phục vụ cho công tác; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, tránh lãng phí điện, nước, điện thoại, nhiên liệu và các vật dụng khác.

- Cán bộ, viên chức trước khi nghỉ hưu, chuyển công tác, đi công tác, học tập dài hạn phải bàn giao hồ sơ tài liệu và tài sản của phòng mà mình đang quản lý cho Trưởng phòng. Đối với những trường hợp bàn giao có thời hạn, khi trở lại nhận nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận, hệ thống lại các công việc đã được làm thay, đảm bảo công việc được theo dõi liên tục, đồng bộ.

- Cán bộ, viên chức chịu trách nhiệm lưu trữ văn bản có liên quan đến công việc được giao theo đúng quy định.

- Tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng tin học trong xử lý công việc hàng ngày.

- Tham gia tích cực và đầy đủ các hoạt động phong trào, sinh hoạt đoàn thể, trực cơ quan theo phân công.

2.6. Chế độ lưu trữ tài liệu

Cán bộ, viên chức có trách nhiệm bảo quản văn bản hồ sơ tài liệu của mình theo công việc được phân công. Nghiêm cấm việc giữ, tiêu hủy tài liệu hoặc tuỳ tiện sao chụp cung cấp tài liệu cho cá nhân, đơn vị khác khi chưa có ý kiến của Trưởng phòng.

3. Tổ chức thực hiện

- Viên chức trong đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định và báo cáo định kỳ hàng tháng cho Trưởng phòng (thông qua cuộc họp đơn vị).

- Cán bộ, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các Quy định này. Các hành vi vi phạm tùy theo mức độ sai phạm sẽ xử lý kỷ luật.

- Trong quá trình thực hiện, tuỳ theo tình hình thực tế hoặc yêu cầu công tác, Quy định này được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

                                                                                                                                                                                       TRƯỞNG PHÒNG 

 

                                                                                                                                                                                    TS. Nguyễn Hồng Thu